Nguồn gốc cây chè thế giới là vùng khí hậu gió mùa Đông nam á
Đỗ Ngọc Quỹ
Năm 2008, Đỗ Ngọc Quỹ – Đỗ Thị Ngọc Oanh đã đưa ra một thuyết mới về vùng nguyên sản cây chè thế giới. (Khoa học văn hóa trà thế giới và Việt Nam – 2008, NXB Nông nghiệp, Hà Nội) như sau.
Qua những quan điểm khác nhau nói trên của các học giả thế giới – Linné, Trang Vãn Phương, Robert Bruce, Cohen Stuart, Đào thừa Trân, Djemukhátde – về 5 nguồn gốc cây chè đã công bố, chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu thêm về cây chè ở vùng ba biên giới Trung Quốc – Việt Nam – Lào, cụ thể ở Lai Châu, Vân Nam và Lào, “ở nơi một con gà gáy ba nước nghe thấy”.
– Cách đây hơn 100 năm, Lefèvre Pontalis, một nhà thám hiểm Pháp, năm 1882 đã tiến hành một cuộc khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà và sông Mê Kông ở miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Hà Nội qua chợ Bờ (Hoà Bình), Mộc Châu, Thuận Châu, Lai Châu, Mường Tè, rồi sang Trung Quốc đến Xiêng Hùng và Ipang, ở vùng Xípxoongpảnnả đã viết như sau.
“…12 ngày vận chuyển trên lưng lừa từ Ipang đến Lai Châu và 5 ngày từ Lai Châu đến Hà Nội bằng thuyền độc mộc; đó là con đường từ Ipang (Trung Quốc) sang Hà Nội (Việt Nam)… Ipang được nối liền bằng nhiều con đường với các trung tâm của tỉnh Vân Nam như Phổ Nhĩ, Semao, Mạn Hảo, Talan qua các huyện của dân tộc Lu, một bộ phận của Xípxoongpảnnả nằm ở biên giới phía Nam của Vân Nam; hàng ngày tôi đã gặp những đoàn thồ lớn 100 – 200 con lừa, chất đầy muối và gạo khi đi và nặng trĩu trà khi về…
Ipang nổi tiếng là do chất lượng chè đạt mức “ngự trà”; hàng năm vào đầu mùa mưa, người ta hái cho Hoàng đế những búp chè, gồm toàn những búp non và nhỏ nhất. Loại chè cao cấp này không bán ngoài thị trường… và ai cũng cố giữ lại cho mình một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị tố cáo hay trừng trị nặng nề; tôi đã trông thấy một nắm chè loại này trong tay một người Trung Quốc… Loại chè màu trắng ngà này, bao gồm những cánh chè rất nhỏ và rất xoăn. Vùng đất đai của Đèo Văn Trị ở Lai Châu, chỉ cách Ipang bằng địa điểm Mường Hoa. Dân tộc Lai Châu là hàng xóm láng giềng gần gũi của dân tộc Ipang…”
– Năm 2004, một đoàn khảo sát Việt Nam gồm có Ban Khoa học tỉnh Hà Giang, Viện Nghiên cứu Chè và Vụ KHKT Bộ Nông nghiệp và PTNT, sang khảo sát vùng chè Xipxoongpảnnả – Vân Nam. Đoàn khảo sát kể lại, khi nhìn thấy các bức ảnh về cây chè Tủa Chùa – Lai Châu gốc có chu vi hai người ôm, các nhà khoa học về chè Trung Quốc đều ngạc nhiên “không hề tưởng tượng được cây chè Việt Nam lại to lớn đến thế”.
– Nhưng cần phân tích tìm hiểu thêm hai điểm sau đây để xác định vùng nguyên sản cây chè:
a. Vùng văn hoá là một khái niệm mờ, chùm lên ranh giới quốc gia hành chính cụ thể, một sản phẩm của con người tạo ra, biến động theo kết quả của di dân và chiến tranh chiếm hữu đất đai.Một dân tộc có thể sống ở hai ba nước khác nhau, nhất là vùng biên giới quốc gia miền núi phía Bắc Việt Nam. Vùng nguyên sản của cây chè phải gắn liền với vùng sinh thái và vùng văn hoá, cho nên khẳng định cây chè nguồn gốc ở nước này nước nọ, mà không xem xét đến chủ thể con người sáng tạo ra vùng văn hoá trà và những biến động về ranh giới quốc gia, là còn thiếu căn cứ khoa học văn hóa lịch sử thuyết phục.
b. Một điểm mới chưa thấy giới thiệu trong các tư liệu xuất bản ngày nay là trong Bản đồ phân bố các vùng chè Đời Nhà Đường (618 – 907), in trong Cuốn Trung Quốc – Quê hương cây chè (1994), có vẽ 18 đạo (một đơn vị hành chính) trồng chè ở Trung Quốc.
Trong cuốn Trà Kinh, Lục Vũ (765) có ghi chép “Về chính trị địa lý, Trung Quốc phân thành đạo, châu, huyện. Đạo tương đương với tỉnh ngày nay, biến động mạnh trong lịch sử; còn châu và huyện tương đương một vùng, vẫn dùng đến ngày nay “. Trung Quốc thời đó có 8 đạo sản xuất chè. Lĩnh Nam đạo ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh – Trung Quốc là đạo thứ 8 có chè. Trong bản đồ này vào thời kỳ Bắc thuộc, vùng Bắc bộ – Bắc Trung bộ của Việt Nam ngày nay, nằm trong ranh giới phía Nam Lĩnh Nam đạo, cùng với 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến.
Bản đồ các vùng sản xuất chè Đời Nhà Đường, Trung Hoa
ban do Nha Duong
Tài liệu trên cho thấy, cây chè có nguồn gốc ở phương Nam. Nhưng phải nhấn mạnh một điểm mà sách Trung Quốc ngày nay không nhắc đến vùng Giao Châu, Giao Chỉ tuy Lục Vũ đã ghi chép trong Trà Kinh. Cho nên địa danh phương Nam bao gồm cả phía Bắc Việt Nam ngày nay, mà không chỉ giới hạn trong ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến hiện nay mà thôi.
– Theo Đào Duy Anh (1957), viết trong Nguồn gốc dân tộc Việt Nam Giao Chỉ – Lạc Việt. Về đất Giao Chỉ và người Giao Chỉ – trong nhóm Việt tộc, mà thư tịch xưa gọi là Bách Việt, có nhóm Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam. Bản đồ miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam từ đầu công nguyên về trước đã có địa danh Mê Linh, Cửu Chân, Giao Chỉ – Lạc Việt là địa phận Bắc Việt Nam ngày nay.
– Trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh, Bùi Văn Nguyên, 1993) Lĩnh Nam là danh từ mà các sử gia và tác giả Trung Quốc dùng để chỉ những đất đai ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh và như vậy thì Lĩnh Nam suy theo nghĩa rộng, bao gồm cả một phần Hoa Nam và phía Bắc Việt Nam.
Tộc Lạc Việt có tục uống chè tươi độc đáo trên thế giới tồn tại mãi trong lịch sử đến tận đầu thế kỷ thứ XXI, mà các tộc Bách Việt khác hiện nay không có. Điều này nói lên từ thủa xa xưa, uống chè tươi đã là một nét văn hoá ẩm thực trong cuộc sống người Lạc Việt và cây chè đã có mặt trong đời sống con người từ thủa bình minh lịch sử (Mai Khôi, 2000).Trong tiến trình lịch sử Đông Nam Á, tộc Lạc Việt không bị đồng hóa, trong khi đó các tộc Bách Việt khác ở phía Nam sông Dương Tử đều bị dân tộc Hán đồng hoá thôn tính (Trần Văn Giàu, 2000).
Từ những tư liệu trong và ngoài nước của các nhà khoa học tự nhiên, sử học và xã hội học kể trên đã công bố đến nay, có thể rút ra nhận thức mới về nguồn gốc cây chè sau đây:
Cây chè có nguồn gốc ở vùng khí hậu gió mùa Đông Nam Á, bao gồm vùng Tây Nam Trung Quốc, Bắc Myanmar, Bắc Lào và Bắc Việt Nam hiện nay. Cây chè được cư dân Bách Việt phương Nam, thuộc nền văn hoá lúa nước phát hiện đầu tiên trên thế giới làm dược thảo; rồi lan truyền lên phương Bắc của dân tộc Hán có nền văn hoá nông nghiệp cạn và du mục Hoàng Hà. Từ đó phát triển mạnh mẽ về công nghệ chế biến thành nước trà, một thứ nước uống giải khát phổ cập ở Trung Hoa, rồi truyền bá ra khắp năm châu trên thế giới ngày nay đã có trên 4000 năm lịch sử.
 
Địa hình của Đông Nam Á
Vùng khí hậu gió mùa đông nam á
Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 2010

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *