LỜI GIỚI THIỆU
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 105 năm ngày thành lập cơ quan nông nghiệp tại Phú Hộ -thị xã Phú Thọ – tỉnh Phú Thọ (1918-2023), Hội khoa học Công nghệ Chè Việt Nam phối hợp với NOMAFSI tổ chức nhiều hội thảo về những thành tựu nghiên cứu khoa học phát triển và đào tạo cán bộ khoa học công nghệ Chè Việt Nam, trong đó có Giáo trình cây chè do vụ Đào tạo – Bộ Nông nghiệp tổ chức biên soạn. Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Kính là nhà khoa học có uy tín trong giảng dạy đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ cán bộ khoa học chuyên nghiên cứu về chè ở Việt Nam là chủ biên chủ biên cuốn Giáo trình Cây chè xuất bản năm 1979 .
Giáo trình cây chè được giảng dạy trong 4 trường Đại học của cả nước và được nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học về chè ở Việt Nam, sử dụng làm tài liệu tham khảo chính.
Giáo trình cây Chè đã đáp ứng phương châm “Cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam nhất”, được thể hiện trong các Chương II: Đặc điểm sinh vật học cây chè) và Chương III: Điều kiện sinh thái của cây chè. Kiến thức trong hai chương trên đây là cơ sở khoa học trong nghiên cứu sáng tạo phát triển cây chè Việt Nam.
Giáo trình cây Chè không chỉ là tài liệu dùng để biên soạn các bài giảng khoa học chè Việt Nam, trong các trường Đại học mà là sự tổng kết, kế thừa, phát triển các thành tựu nghiên cứu chè trong và ngoài nước, có ý nghĩa lịch sử, khoa học và thực tiễn trong sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học và nghiên cứu phát triển Chè Việt Nam .
Ban biên tập Website của Hội khoa học Công nghệ Chè Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết:“Giới thiệu về Giáo trình cây chè” của Gs.Ts. Nguyễn Ngọc Kính
GIỚI THIỆU VỀ GIÁO TRÌNH CÂY CHÈ
Vào những năm đầu thập kỷ 70 của Thế kỷ XX, Vụ Đào tạo – Bộ Nông nghiệp đã ra một Văn bản có nội dung như sau: Nghị quyết Đại hội lần thứ 4 của Đảng Công sản Việt Nam đã đề ra Phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và Phương hướng đào tạo cán bộ là: “Tập trung cao độ lực lượng của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp…”, “ ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội, tiến hành cải cách giáo dục, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật…”. Để thực hiện phương hướng trên và góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, Vụ Đào tạo cùng các trường Đại học nông nghiệp tổ chức giáo viên các trường dựa vào phương châm cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam nhất, nghiên cứu tài liệu và xây dựng thống nhất giáo trình các môn học. Thời kỳ đó, kỹ sư Phạm Kiến Nghiệp – Giáo viên bộ môn Cây công nghiệp, Khoa trồng trọt được giao nhiệm vụ biên soạn giáo trình Cây Chè. Năm 1974, PTS. Nguyễn Ngọc Kính tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Liên xô (cũ) về nhận công tác tại Bộ môn Cây công nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp 1 và được phân công giảng dạy về cây Chè, đồng thời tiếp tục công việc biên soạn giáo trình Cây Chè thay cho Kỹ sư Phạm Kiến Nghiệp (chuyển sang giảng dạy về Cây Thuốc lá). Sau ngày giải phóng miền Nam, Kỹ sư Phạm Kiến Nghiệp chuyển về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp 4 (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).
Trang bìa Giáo trình Cây Chè đã được biên soạn hoàn chỉnh và xuất bản năm 1979
Việc biên soạn Giáo trình có khó khăn như sau:
– Vụ Đào tạo – Bộ Nông nghiệp không đưa ra Quy chuẩn của một Giáo trình mà chỉ yêu cầu nghiên cứu tài liệu và xây dựng thống nhất giáo trình các môn học. Như vậy, Giáo trình cho các cây trồng nông nghiệp được biên soạn trên cơ sở các bài giảng hàng năm tổng hợp lại, bổ sung những điểm mới và nâng cao.
– Không có Giáo trình Cây Chè của nước ngoài (Trung quốc và Gruzia…) để tham khảo.
Để biên soạn Giáo trình, tôi đã sử dụng 32 tài liệu tham khảo chính (trong đó18 tài liệu tiếng Nga, 6 tài liệu tiếng Trung, 4 tài liệu tiếng Anh, 4 tài liệu tiếng Việt ), ngoài ra còn một số Tạp chí Khoa học về cây Chè (tiếng Trung), Cây trồng Á nhiệt đới (tiếng Nga), Thông tin KH-KT cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc (tiếng Việt).
Giáo trình Cây Chè đã được biên soạn và xuất bản năm 1979 gồm 6 Chương :
Chương I:Vị trí của cây Chè trong nền kinh tế quốc dân. Tình hình sản xuất Chè trong nước và Thế giới (8 trang).
Chương II: Đặc điểm sinh vật học của cây Chè (20 trang ).
Chương III: Điều kiện sinh thái (6 trang).
Chương IV: Chọn giống Chè (4 trang).
Chương V: Kỹ thuật trồng Chè và Quản lý chăm sóc nương Chè (20 trang)
Chương VI: Thu hoach, bảo quản và chế biến chè (11 trang).
Chương VII: Một số vấn đề về tổ chức và quản lý sản xuất (12 trang).
Trong 7 Chương trên đây, Chương II và Chương III đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật của nội dung các Chương IV, V và VI.
Những điểm nhấn trong nội dung Chương II.
1- Về nguồn gốc cây Chè :
Nhiều công trình nghiên cứu và khảo sát trước đây cho rằng nguồn gốc cây Chè là vùng Cao nguyên Vân Nam, Trung quốc và theo các tài liệu của Trung Quốc thì cách đây khoảng 4000 năm, người Trung Quốc đã dùng chè để làm dược liệu sau đó mới dùng để uống (Theo PGS. Đỗ Ngọc Quỹ và TS. Lê Tất Khương – Giáo trình Cây chè, Giáo trình Cao học xuất bản năm 1999, năm 1753, nhà thực vật học Thụy điển Carl Von Linnaeus, lần đầu tiên trên thế giới đã xác nhận Trung quốc là vùng nguyên sản cây Chè của Thế Giới và định danh tên khoa học của cây Chè là Thea sinensis). Cách xác định nguồn gốc cây Chè trên đây là dựa vào điều kiện địa lý, lịch sử trồng trọt, các đặc điểm hình thái.
Một cách tiếp cận khác để xác định nguồn gốc cây Chè: Viện sỹ Djemukhatze với công trình nghiên cứu ( 1961-1976) về phức Catechin của lá chè hoang dại ở các vùng chè Tứ Xuyên Vân Nam, Trung quốc, Ấn độ và các vùng chè cổ ở Việt nam (Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng sơn,…) cho thấy: Hàm lượng các catechin đơn giản (-)- epicatechin và (-)- epcatechin galat trong lá chè cổ của Việt nam chiếm tới 70 % tổng số các loại catechin; trong khi đó những cây chè dại của Việt nam di thực lên phía Bắc phải thích ứng dần với các điều kiện sinh thái bằng cách xuất hiện các thành phần catechin phức tạp hơn với sự tạo thành (-) epigalocatechin và các galat của nó. Đây là luận điểm về sự tiến hóa sinh hóa của cây chè và trên cơ sở đó cho phép đi đến kết luận: “Nguồn gốc cây Chè chính là ở Việt Nam”
2- Về Giống Chè ở Việt nam:
Theo phân loại của Cohen Stuart (1919) , Camellia sinensis L. gồm 4 Thứ (varietas) như sau:
i) Camellia sinensis Bohea (Chè Trung Quốc lá nhỏ)
ii) Camellia sinensis var macrophylla (Chè Trung quốc lá to)
iii) Camellia sinensis var Shan (Chè Shan)
iv) Camellia sinensis var Atsamica (Chè Ấn độ)
Bốn Thứ Chè trên đây đều có trồng ở Việt Nam, nhưng phổ biến nhất là 2 Thứ: Camellia sinensis var macrophylla được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Trung du với các tên gọi của địa phương: Trung du lá xanh, Trung du lá vàng, Trung du lá tím. Camellia sinensis var Shan được trồng chủ yếu ở miền núi các tỉnh phía Bắc, miền nam Tây nguyên ( Lâm Đồng )
3- Khái niệm về phát dục của cây chè:
Tổng chu kỳ phát dục cá thể của cây Chè là quá trình từ lúc hoa chè thụ phấn kết hạt, nảy mầm, sinh trưởng cho đến khi cây chè già cỗi tự chết; đó cũng là chu kỳ sinh sống cá thể của cây chè. Tổng chu kỳ phát dục cá thể của cây chè bao gồm 5 giai đoạn: a) Giai đoạn phôi thai, b) Giai đoạn cây con, c) Giai đoạn cây non, d) Giai đoạn cây chè lớn và e) Giai đoạn cây chè già. Chu kỳ phát dục hàng nămcủa cây chè bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn sinh trưởng được tính từ lúc mầm đỉnh – ở vị trí trên cùng của cành bắt đầu nảy búp, hình thành các đợt búp rồi ra hoa kết quả, sau đó tạm ngừng sinh trưởng cho đến năm sau trước lúc mầm đỉnh lại bắt đầu sinh trưởng/nảy búp…
4- Về đặc tính sinh hóa Chè:
Phẩm chất của Chè thành phẩm được quyết định bởi thành phần hóa học của nguyên liệu và kỹ thuật chế biến. Những thành phần chủ yếu trong búp chè gồm có: 1) Nước, 2) Tanin, 3) Ancaloid- chủ yếu là Cafein, 4) Protein và acid amin, 5) Glucid và Pectin, 7) Dầu thơm, 8) Vitamin, 9) Men, 10) Chất tro.
Về phạm vi sử dụng Giáo trình cây Chè:
Lời Giới thiệu của Vụ Đào tạo- Bộ Nông nghiệp tại Trang 3 của Giáo trình đã viết: “Việc xuất bản Giáo trình nhằm cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên các trường Đại học Nông nghiệp, giúp giáo viên có tài liệu làm cơ sở để soạn bài giảng, tạo điều kiện đẩy mạnh việc cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập. Giáo trình này được biên soạn chủ yếu cho sinh viên ngành trồng trọt thuộc các trường Đại học Nông nghiệp, đồng thời có thể dùng làm tài liệutham khảo cho các cán bộ kỹ thuật ngành trồng trọt”.
Ở Việt nam tài liệu về Đặc điểm sinh vật học cây Chè rất ít, trong những năm làm công tác giảng dạy tại trường ĐHNN 1 và một vài năm sau đó tôi có hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh làm các đề tài nghiên cứu liên quan đến đặc điểm sinh vật học cây Chè với mong muốn những kết quả nghiên cứu này sẽ là tài liệu tham khảo bổ xung cho Giáo trình Cây chè xuất bản năm 1979.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính