BÁO CÁO CỦA HIỆP HỘI CHÈ VIỆT NAM :
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ – TỔ CHỨC VĨ MÔ  ĐANG ĐẶT RA CHO NGÀNH CHÈ NƯỚC TA

                

                                                                                                                 TS. Nguyễn Hữu Tài
                                                                                                   Ủy viên BCH Hội KHCN Chè Việt Nam
                                                                                                       Chủ tịch Hiệp Hội chè Việt Nam

         Ngày 05/ 8/2014, Hiệp hội chè Việt Nam đã có văn bản số 60 HHC-VP/CV gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kinh tế quốc hội, Ủy ban nhân dân các  tỉnh có trồng chè: Lâm Đồng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ,Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Toàn văn như sau:

       Ngày 28 tháng 7 năm 2014, Ban chấp hành Hiệp hội chè Việt Nam họp, đã nhất trí báo cáo và kiến nghị với Chính phủ, các Bộ hữu quan cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trồng chè về giải pháp cơ bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, nhằm tạo điều kiện đảm bảo cho ngành chè phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về hiệu quả  kinh tế, xã hội và môi trường trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cụ thể như sau:

  1. Thực trạng ngành chè

       Đến hết năm 2013, nước ta đã có khoảng 130.000 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh khoảng 105.000 ha, năng suất bình quân khoảng 7,7 tấn búp tươi/ ha; có trên 455 cơ sở chế biến chè với tổng công suất chế biến trên 450.000 tấn chè khô/năm, sản lượng chè khô khoảng 180.000 tấn; xuất khẩu 145.000 tấn (hơn 80%), kim ngạch đạt khoảng 250.000.000 USD; tiêu thụ trong nước khoảng 35.000 tấn, doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã đứng vào hàng thứ 6 trên thế giới về sản lượng và thứ 5 về xuất khẩu.

      Trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ đã quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ, đã giúp ngành chè chọn tạo, nhập nội được nhiều giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt, hỗ trợ nông dân trồng chè; chế tạo thiết bị, cải tiến quy trình canh tác và chế biến; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

       Sản xuất chè tuy sản lượng, chất lượng, kim ngạch xuất khẩu và hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tự cung, tự cấp của nông dân miền núi sang sản xuất hàng hóa, tăng thêm việc làm và thu nhập khá ổn định cho khoảng 400.000 hộ gia đình, với trên 2 triệu lao động liên quan, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội. Sản xuất chè không phụ thuộc vào nhập khẩu; mà từ đất đai, lao động, thiết bị và vật tư trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang có xu hướng tăng dần.

       Về tổng thể thì số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động, điều kiện sinh thái và tổng mức đầu tư hiện có; giá trị gia tăng còn thấp, chưa ổn định về số lượng và chất lượng, đời sống người làm chè còn nhiều khó khăn; đặc biệt là có nhiều nguy cơ về giảm chất lượng và hơn thế là không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm; có thể mất thị trường xuất khẩu và gây ra khủng hoảng nghiêm trọng hơn thời kỳ ngành chè bị mất thị trường Liên Xô (cũ).

      Từ tổng kết thực tiễn, Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng: Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo ra khó khăn cho ngành chè như hiện nay. Trong đó, nguyên nhân cơ bản và chủ yếu nhất là do việc tổ chức sản xuất và quản lý ngành chè của các địa phương còn có quá nhiều bất cập. Trong đó, nổi cộm là mất cân đối giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu, phá vỡ  các mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ trên từng địa bàn đã được hình thành trước đây, gây ra hậu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

      Mối liên kết công – nông nghiệp trong ngành chè bắt đầu bị phá vỡ từng mảng từ năm 2005. Khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực, hầu hết các địa phương đã cấp  phép ồ ạt hoặc làm ngơ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp có trước đã đầu tư và quản lý theo hệ thống; dẫn đến tổng công suất chế biến cao hơn nhiều so với khả năng cung ứng nguyên liệu. Tại một số tỉnh như Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, một số huyện tại Nghệ An… công suất chế biến vượt nguồn cung ứng chè búp tươi từ 2-3 lần. Sự mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp đã tạo ra cầu giả tạo về nguyên liệu, dẫn đến sự tranh mua, tranh bán chè  tươi. Có nhiều doanh nghiệp lớn, có truyền thống trong ngành chè đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại và đầu tư cho các hộ gia đình trồng chè (theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng không thể mua được nguyên liệu; trong đó có cả một số doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, có vùng nguyên liệu nguyên là nông trường chè quốc doanh đã giao khoán vườn chè cho các hộ gia đình ( theo Nghị định số 01/CP ngày 01/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ- CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ). Tình trạng “cá bé rỉa chết cá lớn” đang diễn ra phổ biến trong ngành chè.

      Thực trạng cạnh tranh nội bộ ngành gay gắt và không bình đẳng dẫn đến  còn rất ít doanh nghiệp có cơ hội đầu tư cho nông dân trồng chè về giống, kỹ thuật canh tác, thu hái, bảo quản chè búp tươi và kiểm soát toàn bộ hệ thống bảo vệ thực vật như trước đây. Cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương thì không đủ điều kiện để hướng dẫn và kiểm soát nông dân theo quy định về  sản xuất chè an toàn. Các hộ gia đình trồng chè hầu hết đã không hái chè theo tiêu chuẩn nhà nước quy định (TCVN- Chè đọt tươi) mà cắt dài cả cành lá già, nhưng vẫn tiêu thụ hết vì cầu lớn hơn cung quá nhiều; doanh nghiệp nào mua cao hơn thì bán, thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học loại nào rẻ thì sử dụng, bởi không ai có thể kiểm soát được dư lượng hóa chất độc hại trong chè tươi. Nhiều vườn chè đã bị tận thu kiệt quệ, năng suất và chất lượng giảm mạnh; giá trị chè tươi thấp; chu kỳ kinh tế cây chè bị giảm nhanh. Thiệt hại của nông dân sẽ là hàng trăm tỷ đồng khi phải sớm trồng lại vườn chè chu kỳ mới.

     Các cơ sở chế biến phải mua và chế biến cả phần cuộng chè già, gây lãng phí vật tư, năng lượng và lao động; lại phải nhập khẩu máy tách cẫng có giá trị rất lớn để tách ra khi tiêu thụ và tỷ lệ mặt hàng cấp cao đã giảm khoảng 50%, kéo theo giá xuất khẩu chè bình quân giảm trên 25%; vận chuyển chè cấp thấp xuất khẩu cũng phải chịu cước phí như chè cấp cao, đã gây lãng phí lớn. Nhưng, khó khăn lớn nhất của các cơ sở chế biến chè là chất lượng nguyên liệu quá xấu và không thể kiểm soát được số lượng, chất lượng để chủ động cung ứng cho khách hàng, nhất là không thể kiểm soát được dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm. Nhiều lô hàng xuất khẩu đã bị trả lại, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của chè Việt Nam.

      Tình trạng đầu tư quá nhiều các cơ sở chế biến chè đã tạo cơ hội cho một số tổ chức và cá nhân kiếm được một ít lợi nhuận nhất thời trong chuỗi giá trị của ngành chè vì không phải đầu tư vùng nguyên liệu; nhà xưởng, thiết bị và lao động thì không cần theo Quy chuẩn kỹ thuật; không chịu trách nhiệm với nông dân trồng chè và cơ bản là có thể rút ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chè bất cứ lúc nào khi thị trường gặp khó khăn; đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho ngành chè Việt Nam.

  1. Hậu quả của việc mất cân đối công – nông nghiệp chè:

     – Về kinh tế: Gây thiệt hại toàn ngành chè trên 530 tỷ đồng/năm. Trong đó, công suất chế biến dư thừa trên 100% đã lãng phí máy móc, nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật và đất đai khoảng 200 tỷ đồng/năm; do nguyên liệu chè tươi xấu chưa từng có trong lịch sử gần 60 năm của ngành công nghiệp chè Việt Nam, thiệt hại do tiêu tốn chi phí chế biến nguyên liệu xấu cao hơn so với chi phí chế biến nguyên liệu theo tiêu chuẩn nhà nước quy định trên 50 tỷ đồng/năm; mặt hàng cấp thấp tăng, mặt hàng cấp cao giảm, thiệt hại trên 140 tỷ đồng/năm; phải nhập khẩu hơn 150 máy tách cẫng (mỗi máy 2,5 – 3 tỷ đồng) lãng phí khoảng 90 tỷ đồng/năm; cước vận tải chè cấp thấp xuất khẩu lãng phí trên 50 tỷ đồng/năm.

      – Về xã hội: Một số cơ sở chế biến đã phải đóng cửa, nhà xưởng, thiết bị để hư hỏng, chủ đầu tư bị nợ nần không trả được, người lao động bị mất việc làm… trong đó có cả những nhà máy khá hiện đại. Thị trường chè tươi ngày càng hỗn loạn. Người nông dân chỉ biết sản xuất theo phong trào. Thậm chí bị tư thương lợi dụng làm chè bẩn để xuất khẩu tiểu ngạch, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu chè Việt Nam trên thế giới. Nhưng nguy hại hơn là các doanh nghiệp chỉ tập  trung vào cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành; khó có thể có doanh nào phát triển chè bền vững; ngành chè không thể tập trung nguồn lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các tiến bộ về khoa học – công nghệ không thể áp dụng được vào thực tiễn, nhất là cho nông dân trồng chè.

      – Về môi trường: Tình trạng thiếu tổ chức hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đã gây ra ô nhiễm  sản phẩm và môi trường. Các cơ sở chế biến được xây dựng tự do không theo một quy hoạch tổng thể, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn cho cả dân cư và các ngành nghề khác.

       – Về thị trường: Chính sách đầu tư quá tải cho công nghiệp chế biến đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, cho nông dân và cho cả nền kinh tế nước nhà. Nhưng điều quan trọng hơn là sản phẩm chè của Việt Nam không những khó có thể xâm nhập vào các thị trường tiềm năng có giá cao như Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ… mà còn có nguy cơ bị mất cả thị trường truyền thống như Đài Loan, Nga, các nước Đông Âu và các nước khác do số lượng, chất lượng chè thấp, không ổn định, thiếu đồng đều và nhất là dư lượng hóa chất độc hại quá mức cho phép.

  1. Một số kinh nghiệm phát triển chè bền vững:

      – Kinh nghiệm thế giới: Ngành chè thế giới đã chứng minh là các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo và ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông – công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững, ví dụ như Kenya. Kenya là một nước đang phát triển, có lịch sử trồng và chế biến chè thua kém Việt Nam, nhưng đến nay ngành chè Kenya đã hơn hẳn ngành chè Việt Nam về mọi mặt và là một ngành mang lại ngoại tệ chủ yếu cho đất nước. Kenya chỉ có 110.000 ha (bằng 85% Việt Nam), năng suất bình quân 13 tấn/ ha (bằng 170% Việt Nam), có 103 cơ sở chế biến chè (bằng 22% Việt Nam); sản lượng chè khô 372.000 tấn (bằng 210% Việt Nam), chè xuất khẩu 365.000 tấn (bằng 200% Việt Nam), kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (bằng 430% Việt Nam), giá chè xuất khẩu bình quân gần 3.000USD/ tấn (bằng 176% Việt Nam), số hộ nông dân trồng chè tương đương Việt Nam, số lao động liên quan đến ngành chè là 3 triệu người (bằng 150% Việt Nam)…Điều kiện tự nhiên, kinh tế và khoa học- công nghệ của ngành chè Kenya không hơn Việt Nam, nhưng lại phát triển hơn là vì họ đã xây dựng được chuỗi giá trị trong ngành chè trên từng địa bàn và đã nhanh chóng tham gia được vào chuỗi giá trị chè toàn cầu.

      – Kinh nghiệm của nước ta: Trước năm 2005, cũng như nhiều ngành nông sản khác, ngành chè nước ta đã xây dựng được mô hình sản xuất nông – công nghiệp trên từng địa bàn; nhà máy chế biến chè gắn với nông trường và nông dân trồng chè xung quanh, hoặc nhà máy gắn bó chặt chẽ với nông dân trồng chè trên  địa bàn theo quy hoạch của tỉnh. Mô hình liên kết nông – công nghiệp thực hiện bắt đầu từ năm 1979 theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đến năm 1987 cơ bản đã tạo lập khá hoàn chỉnh khắp cả nước. Lúc đó, sản phẩm chè của nước ta có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thua kém các nước; ngành chè đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội ở trung du và miền núi; đã từng bước đã tham gia vào chuỗi giá trị chè toàn cầu.

        Hiện nay, trong ngành chè Việt Nam vẫn còn một số ít mô hình liên kết nông – công nghiệp, đã và đang chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả và tương đối bền vững. Như Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Công ty TNHH một thành viên chè Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Công ty TNHH một thành viên chè Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang), Công ty cổ phần chè Than Uyên ( tỉnh Lai Châu) …

       Kinh nghiệm của các địa phương có chè, hoặc có doanh nghiệp chè phát triển là đã chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chè duy trì được liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến; phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Chính quyền địa phương đã áp dụng đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Cơ sở chế biến chè – Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (QCVN 01-07: 2009/BNNPTNT theo Thông tư số 75/2009/TT-BNNPTNT ngày 02/ 12/ 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn số 68/2006/QH ngày 29/6/2006. Trong Quy chuẩn bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến chè phải thực hiện “Nhà xưởng phải được xây dựng theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gần vùng nguyên liệu và đảm bảo có nguyên liệu đủ cho nhà máy hoạt động”. Tức là doanh nghiệp phải đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè trước khi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, công suất chế biến phải cân đối với nguồn nguyên liệu trong vùng dự án và chỉ được tăng công suất chế biến tương ứng với khả năng đảm bảo tăng sản lượng chè búp tươi trong từng thời kỳ của dự án.

  1. Nguyên nhân:

       Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự phát đầu tư xây dựng quá nhiều cơ sở chế biến chè, mất cân đối nông nghiệp với công nghiệp, đã dẫn đến hậu quả  là ngành chè bị thiệt hại nặng nề và tiềm ẩn nguy cơ phá sản như hiện nay có thể xẩy ra trong các trường hợp sau:

       – Hoặc là các tỉnh đã thiếu quy hoạch các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè, hoặc là có quy hoạch nhưng thiếu khoa học và thực tiễn; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Kế hoạch và Đầu tư với Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương;

       – Hoặc là chính quyền cơ sở chỉ có một vùng nguyên liệu nhưng đã xác nhận cho nhiều doanh nghiệp khác nhau khi lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy và cơ quan cấp giấy phép đầu tư xây dựng thiếu thẩm định dự án, để xẩy ra tình trạng dự án trùng dự án;

       – Hoặc là các cơ sở chế biến đã không thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu như đã cam kết trong dự án;

       – Hoặc là chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật, không tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến chè ban hành theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn số 68/2006/QH ngày 29/6/2006 của Quốc hội.

  1. Kiến nghị:

      Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành mà trực tiếp là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Luật An toàn thực phẩm; căn cứ vào Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; căn cứ vào Chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh sản xuất chè an toàn và tình hình thực tế của ngành chè; trước nguy cơ một ngành nông nghiệp tiềm năng của đất nước bị phá hủy, Hiệp hội chè Việt Nam kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vấn đề cấp thiết là cần tổ chức lại ngành chè theo chuỗi giá trị trên từng địa bàn, tạo cơ hội cho ngành chè phát triển bền vững theo hướng nhanh chóng nâng cao giá trị gia tăng. Cụ thể là:

       – Đề nghị Chính phủ và các Bộ:

       + Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, cần quan tâm đến các cân đối lớn giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị của từng ngành hàng cụ thể. Trong ngành nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng cần quan tâm đến cân đối giữa sản xuất nguyên liệu và công nghiệp chế biến; với sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các bộ ngành có liên quan. Có chế tài bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư cho nông dân theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 nay là Quyết định số  62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

       + Có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các địa phương có trồng chè chấp hành các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến chè theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn và Luật An toàn thực phẩm; đồng thời triển khai thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

       + Đề nghị Chính phủ thành lập Ban điều phối ngành chè quốc gia, có sự  tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Hiệp hội chè Việt Nam.

       – Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh có trồng chè:

      + Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất chè, có sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và Hội (Chi hội) chè  địa phương.

      + Điều chỉnh quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cân đối giữa nông nghiệp sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến; tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến; hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng với nông dân trồng chè theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

        + Rà soát từng cơ sở chế biến chè theo các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến chè theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Những cơ sở chế biến không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật mà trước hết là không có vùng nguyên liệu cụ thể thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

       Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng: Khi đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến chè được cân đối; tổ chức sản xuất và quản lý ngành chè trên từng địa bàn được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức lại theo quy định của pháp luật hiện hành, theo các nguyên lý khoa học về phối hợp, liên kết; có sự tham gia của nông dân trồng chè, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ chè; hình thành được các chuỗi giá trị trên từng địa bàn, thì khoa học công nghệ về sản xuất, chế biến chè mới ứng dụng được vào thực tiễn; ngành chè Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị chè toàn cầu, phát triển bền vững và nâng cao được giá trị gia tăng cả nội sinh và ngoại sinh.

      Hiệp hội chè Việt Nam khẩn thiết kính đề nghị Chính phủ, các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có trồng chè quan tâm đến kiến nghị của Hiệp hội, xem xét, giải quyết để tạo điều kiện cho ngành chè phát triển bền vững”

                                                                                                                              Chủ tịch BCH HH Chè Việt nam

                                                                                                                          đã ký

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *