Theo cách tiếp nhận của dân tộc Việt Nam, gốc nông nghiệp phương Nam, văn hóa trà Việt Nam có mối quan hệ giao tiếp hai chiều với nền văn hóa trà Trung Hoa và phương Tây. Dân tộc Việt Nam vốn mềm dẻo, hiếu hòa, mang đậm nét dung hợp trong tiếp nhận, nên có cách ứng xử không chối từ (non refus – GS. Trần Quốc Vượng) mà tích hợp các luồng văn hóa bên ngoài nên đã bảo tồn mà không bảo thủ văn hóa bản địa trong xu thế hòa nhập vào khu vực và thế giới. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24 – 11- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đức lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.
          Nền văn hóa trà Việt được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài của dân tộc không phải là kết quả vận động của riêng yếu tố nội sinh mà còn chịu ảnh hưởng của yếu tố khu vực Trung Hoa và Âu Mỹ. Sự đa dạng của Văn hóa trà Việt được thể hiện rõ nét qua cách mô tả khác nhau của các nhà văn hóa trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.
          – Nhà nghiên cứu ẩm thực Vũ Tú Cầu (1999) ghi chép cụ thể và đầy đủ cách pha, bán và uống chè tươi tròn bài Nước chè tươi “Người nông dân và cả người Hà Nội cũng uống chè tươi, thứ nước uống bình dân, ở bến tàu xe bên vỉa hè. Chè tươi là thứ nước uống tuyệt với, giữa trưa hè sau khi đạp một cuốc xe hay kéo một xe gạo, xe cùi, mồ hôi nhễ nhại…uống bát nước chè nóng và rít một điếu thuốc lào thì còn gì khoan khoái bằng”.
         – Nhà văn hào Phạm Đình Hổ (1768 – 1839)  mô tả cách uống trà tàu của giới thượng lưu phong kiến trong Vũ trung tùy bút như sau: “Cách uống chè thì trong sách Kiên bào đã nói rõ họ Lư, họ Lục nổi tiếng về uống chè… Thị hiếu người ta cũng hơi giống người Trung Hoa…thậm chí đã có kẻ đặt tiền mua sẵn cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ. Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. Ấy người xưa ưa chuộng chè Tàu là vì vậy”.
          – Nhà văn hào Nguyễn Tuân mô tả cách uống trà Tàu của các nhà Nho thời -phong kiến trong Chén trà sương – Vang bóng một thời (1939)….Sớm nào hai cha con ông Ấm chẳng dậy sớm để uống trà. Sớm nay cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ Ấm lại bắt người trưởng nam giở tập Cổ văn ra bình lại hai bài Trà co của Lư Đồng. Chuyện vãn mãi về trà Tàu, ông cụ Ấm lại mang luôn tập thơ Vũ trung tùy bút giảng những đoạn công phu của Quốc tử giám tế tửu Phạm Đình Hổi chiêm nghiệm và xưng tụng về trà Tàu”. (Lư Đồng – Ngọc Xuyên là tác giả bài thơ Thất uyển trà, đời nhà Đường, Trung Hoa).
          – Tác giả Thanh Bình – Trà đá (Thế giới chè, 2006).
          Trà đá đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực người Nam bộ, từ quán vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng rất nhanh chóng, chỉ mới tròn khoảng 50 năm nay. Trà đá Sài Gòn đã làm đối tượng nặng ký với chè chén nông thôn và thành thị miền Bắc.
         Trà đá uống lạnh còn chè chén uống nóng, người Nam bộ tìm cái mát lạnh, còn người Bắc bộ tìm cái nóng ấm, điều này có thể giải thích bời khí hậu hai miền khác nhau nên có yêu cầu khác nhau khi uống trà.
            Trà đá tiến ra tận thủ đô Hà Nội, nơi vốn chỉ có “chè chén”, cái chén nhỏ xíu, trà chát đậm hậu ngọt, chỉ uống nóng. Nay, thói quen uống nắng cũng bị “trà đá” cạnh tranh. Không chỉ lấn sân nội địa, chẳng mấy ai ngờ cái thứ uống bình dân, chỉ có màu vàng nhạt và đá lạnh kia lại có thể có sức mạnh làm chuyển biến cả một thương hiệu quốc tế danh tiếng tận “xứ Anglê” trà Lipton! đến Việt Nam, Lipton cũng phải nhường bước cho “Iced tea” (trà đá) như thường…
          Tóm lại, hiện trạng tồn tại đan xen các lều chõng chè tười, trà siêu, trà dạo, trà đá, hiên trà, quán trà, phòng trà ở Hà thành ngày nay đã minh họa xu hướng đa dạng, đa văn hóa trong thời kỳ hội nhập của Việt Nam và thế giới. Trên nền chè tươi bản địa vốn có trà tàu truyền thống du nhập đã giao thoa cả với văn hóa trà Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ,…
  PGS. Đỗ Ngọc Quỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *